17:39 ngày 23/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bết bát ở Hadico: Ôm hàng loạt sai phạm trước thềm cổ phần hóa 2020

10:04 18/11/2019

(THPL) - Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (Hadico) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ được triển khai cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên, thời gian dài vừa qua, Hadico đang đối diện với hàng loạt bất ổn dù công ty này có nguồn lực rất lớn.

Hadico vướng nhiều vi phạm
Nhiều vấn đề nội tại

Mới đây, UBND TP. Hà Nội có văn bản yêu cầu sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND thành phố, giai đoạn 2016-2020, tập trung ở doanh nghiệp có quy mô vốn lớn, phạm vi hoạt động rộng, số lượng lao động nhiều. Trong đó, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (Hadico) cũng nằm trong danh sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND thành phố trước năm 2020. Tuy nhiên, Hadico lại đang nợ thuế lên đến hơn 40 tỷ đồng, hơn nữa Hadico còn phải đối mặt với vấn đề nhân sự trầm trọng.

Cụ thể, ngày 16/08/2019, Chi cục Thuế quận Bắc Từ Liêm ra thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp của Hadico, với tổng số tiền chưa nộp NSNN tính đến ngày 31/07/2019: 40.722.113.347 VNĐ, số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế nợ thuế là: 36.712.164.845 VNĐ.

Ngày 29/08/2019 Cục Thuế TP Hà Nội ra Quyết định số 68123/QĐ-CT-QLN về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng của Hadico với lý do Hadico có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Thông tư 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính. Đồng thời, Cục Thuế TP Hà Nội cũng ra Thông báo số 68124/TB-CT-QLN về việc hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

Ngày 05/09/2019 Cục Thuế Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Hadico về việc: Ngày 08/07/2019, đơn vị chậm nộp tờ khai 01QL-LNCN, kỳ tính thuế năm 2018, hạn nộp hồ sơ 01/04/2019, số ngày nộp quá hạn 98 ngày.

Ngoài việc nợ thuế, nhân sự của Hadico cũng là điều đáng bàn khi doanh nghiệp này chỉ có một Chủ tịch HĐQT và 1 Tổng Giám đốc, khuyết hầu hết các nhân sự chủ chốt như Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng,… để điều hành công ty.

Theo đó, ngày 14/01/2019, Hadico đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội về việc kiện toàn nhân sự với mong muốn kéo dài thời gian giữ chức vụ của Chủ tịch HĐTV do đến ngày 10/03/2019, ông Nguyễn Tiến Hưng 59 tuổi, không đủ thời gian bổ nhiệm lại, bổ nhiệm lại chức danh thành viên HĐTV và Tổng Giám đốc cho ông Lê Văn Tuấn.

Theo đó, việc viện toàn nhân sự theo đúng cơ cấu tổ chức tại điều lệ bằng nguồn cán bộ đã được quy hoạch gồm: Bổ nhiệm kiểm soát viên công ty (trong đó 01 kiểm soát viên chuyên trách và 02 kiểm soát viên); bổ nhiệm 04 phó tổng giám đốc công ty và 01 kế toán trưởng công ty (có tờ trình cụ thể kèm theo).

Ngày 06/03/2019, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đã có Thông báo số 67-TB/BCSĐ, đồng ý kéo dài thời gian giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV, đồng ý bổ nhiệm lại ông Lê Văn Tuấn.

Ngoài ra, thông báo trên đồng ý kiện toàn các chức danh gồm: 01 thành viên chuyên trách HĐTV, 03 Phó Tổng giám đốc, 03 Kiểm soát viên, trong đó có 01 kiểm soát viên chuyên trách công ty, 01 kế toán trưởng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, đến nay, Hadico chỉ có Chủ tịch HĐTV, 1 người nằm trong hội đồng thành viên, ban Giám đốc công ty chỏ có 1 Tổng giám đốc, không có gì thay đổi với thời điểm Hadico gửi văn bản lên UBND thành phố Hà Nội về việc kiện toàn nhân sự vào tháng 1/2019.

Trong khi đó, theo điều lệ tổ chức hoạt động và điều lệ của Công ty đã được UBND thành phố phê duyệt HĐTV của Công ty gồm có 5 người, Kiểm soát viên công ty gồm 3 người (trong đó là 1 kiểm soát viên chuyên trách), 1 Tổng Giám đốc và 4 phó Tổng Giám đốc Công ty, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.

Cũng chính vì khuyết nhiều chức danh điều hành nên quyền lực của Hadico được tập trung chủ yếu trong tay của Tổng giám đốc Lê Văn Tuấn. Điều này được thể hiện qua, ông Lê Văn Tuấn - Tổng giám đốc Hadico, có quyền ký rất nhiều quyết định, hợp đồng cho thuê, giao khoán tài sản lớn của nhà nước mà không phải qua Hội đồng thành viên với “giá mềm”.

Chẳng hạn như việc cho thuê nhà xưởng 650 m2 tại tổ dân phố Vân Trì, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hadico cho thuê với giá 45 nghìn đồng/m2 trong 1 tháng. Cũng tại tổ dân phố Vân Trì, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, rất nhiều lô đất 371m2, 435m2 cũng được Hadico cho thuê lại hoặc giao khoán với cùng giá trị 45 nghìn đồng/m2 trong 1 tháng.

Kết quả kinh doanh đi xuống, nhiều khoản thu chi khó lý giải

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2018 của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội cho thấy rất nhiều vấn đề về tài chính mà Hadico đang gặp phải gây ảnh hướng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2018 của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội thì HĐTV và ban Tổng Giám đốc của Hadico bao gồm: HĐTV - Chủ tịch Nguyễn Tiến Hưng, thành viên Lê Văn Tuấn; Ban Tổng Giám đốc chỉ có ông Lê Văn Tuấn là Tổng Giám đốc, không có phó Tổng Giám đốc.

Theo báo cáo tài chính năm 2018, tổng tài sản của Hadico là hơn 678 tỷ, trong đó tài sản ngắn hạn là hơn 294,7 tỷ, tài sản dài hạn là hơn 393,3 tỷ. Trong khi đó, nợ phải trả ngắn hạn của Công ty Hadico tăng từ 243,5 tỷ lên đến 250,5 tỷ, vốn chủ sở hữu giảm từ 384 tỷ xuống còn 280 tỷ vào thời điểm cuối năm 2018 so với đầu năm 2018. Điều này đã cho thấy một phần kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa của Hadico.

Cụ thể, nguyên nhân khiến nợ phải trả của Hadico tăng là do các mục sau đã tăng mạnh như: Doanh thu chưa thực hiện được ngắn hạn tăng từ 48 triệu lên đến 3,4 tỷ; vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 25,7 tỷ lên 29 tỷ; thuế và các khoản phải nộp cho nhà nước tăng từ 2,8 tỷ lên 3,7 tỷ tính đến cuối năm 2018.

Tuy nhiên, trong các khoản đầu tư tài chính của Hadico có những mục đáng ngờ như: Cho vay các đối tượng bao gồm người lao động trong Công ty, các công ty con, thời gian vay từ 2,5 tháng đến 12 tháng với mức lãi suất cho vay là 0%/năm hoặc không thấp hơn mức lãi suất của Ngân hàng thương mại.

Đáng chú ý, báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2018 của Hadico đã có nhiều ý kiến loại trừ trong đó liên quan đến các khoản đầu tư, tài sản của công ty này. Đơn cử, tại thuyết minh số 22, chỉ tiêu “phải trả ngắn hạn khác”, trên bảng cân đối kế toán bao gồm số tiền hơn 21,3 tỷ là khoản chi phí cải tạo Nhà tập thể Xí nghiệp vườn quả du lịch Từ Liêm, kiểm toán đã không thể thu thập được bằng chứng kiểm toán để xác nhận đối tượng phải trả cũng như số tiền phải trả nêu trên.

Tuy nhiên, những sai phạm có hệ thống về mặt thu chi, quản lý tài chính của Hadico đã xảy ra từ lâu, điều này, đã được thể hiện qua Kết luận thanh tra số 1857/KL-TTTP-P2 ngày 1/7/2016 và án tham nhũng của một loạt nguyên lãnh đạo Hadico trong vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính của Hadico 2018 và việc nợ thuế lên đến hàng chục tỷ cho thấy bóng ma bất ổn vẫn đang đeo bám Hadico.

Đối mặt với nhiều vấn đề, liệu Hadico có cổ phần hóa thành công?

HOÀNG TUYẾT

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu